
Để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế (International Financial Centre - IFC) tại Việt Nam cần có một tầm nhìn chiến lược, một môi trường pháp lý minh bạch, hiện đại và cạnh tranh, cùng với hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước là yếu tố then chốt. Đó là chia sẻ của TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam khi trao đổi về giải pháp xây dựng IFC tại Việt Nam.

Thưa ông, Việt Nam dự kiến thành lập một IFC hoạt động tại hai TP là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo ông, việc thành lập IFC có vai trò thế thế nào trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam?
- Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không ngừng biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc xây dựng IFC là hết sức cấp thiết để góp phần giúp Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ trong Kỷ nguyên mới. Nhìn vào các quốc gia phát triển hay các “con rồng châu Á”, có thể thấy không nền kinh tế vững mạnh nào lại thiếu hệ thống tài chính hiện đại và đẳng cấp. IFC không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn toàn cầu mà còn là động lực thúc đẩy phát triển DN, đổi mới công nghệ và tạo ra chuỗi giá trị kinh tế mới.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào vốn, công nghệ. Để làm được việc này, ngoài việc nâng cao năng lực hệ thống tài chính trong nước, chúng ta cũng cần phải có một trung tâm tài chính giống như một bến đỗ thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, phục vụ nhu cầu về vốn, mô hình tăng trưởng mới.

Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng IFC là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển, trình độ phát triển ngày một nâng cao của Việt Nam. Ngoài vị thế là một quốc gia mạnh về xuất khẩu, ngoại thương, có năng lực sản xuất tốt, nếu có thêm năng lực tài chính tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động khác của nền kinh tế, từ hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ… IFC cũng hỗ trợ nền kinh tế chuyển dịch sang một nền kinh tế có nhiều hơn dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, tạo thêm các dịch vụ tài chính mới…
Vậy theo ông, thời điểm này Việt Nam đang có những thuận lợi và thách thức gì để thành lập IFC?
- Có thể khẳng định, đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam xây dựng IFC. Thời điểm này, quy mô của nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Trong khi, muốn xây dựng IFC phải dựa trên nền kinh tế thực, kinh tế sản xuất và dịch vụ khác. Bên cạnh đó, nhu cầu sản phẩm dịch vụ tài chính cũng lớn hơn nhiều, bởi các dự án đầu tư lớn và nhiều hơn so với trước đây. Khả năng hấp thụ vốn của chúng ta đã được cải thiện, sự sẵn sàng của các DN, nhà đầu tư trong nước và những người dân trong nước trong việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài nâng cao.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở của dịch vụ tài chính Việt Nam đã được nâng lên nhiều, để có thể hấp thụ được nguồn vốn từ bên ngoài. Hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm… đông đảo hơn, năng lực hoạt động đã tốt hơn. Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay cũng gần gũi, tiệm cận hơn nguyên tắc của kinh tế thị trường, cách vận hành hệ thống pháp luật, quy định pháp luật đã được cải thiện hơn nhiều so với trước.

Ngoài ra, trình độ khoa học công nghệ như kinh tế số, ngân hàng số, tài chính số, trình độ hiểu biết về số của người dân được nâng cao… Nguồn nhân lực cũng được cải thiện hơn so với trước.
Về cơ sở vật chất, chúng ta đã có cơ sở hạ tầng cứng cho việc hình thành IFC như dự kiến đặt tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có những hệ thống ngân hàng, sở giao dịch chứng khoán đã được vận hành thuận lợi, trơn tru tạo điều kiện tốt hơn để chúng ta xây dựng trung tâm tài chính.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để Việt Nam vượt qua những thách thức hiện có để xây dựng IFC?

- Để hình thành IFC không chỉ cần có một cơ sở hạ tầng cứng đó là những tòa nhà, nguồn vốn đầu tư, máy móc thiết bị, hạ tầng thông tin… mà cần phải có những yếu tố mềm như sự luân chuyển nguồn vốn một cách tự do hơn, vấn đề kiểm soát tỷ giá hối đoái bớt chặt chẽ hơn, việc luân chuyển nguồn vốn ra vào trung tâm tài chính cũng cần phải có tính chất tự do hơn hiện nay. Các quy định pháp luật phải nâng cấp lên dần dần để đáp ứng yêu cầu đó.
Sự ổn định của đồng tiền Việt Nam và khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam cũng cần được nâng cao để nâng cao vị thế đồng tiền Việt Nam khi hình thành IFC. Mặt khác, các quy định pháp luật cần có nhiều cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt những quy định liên quan đến hoạt động của ngân hàng, IFC.
IFC khó có thể phát triển trong bối cảnh hiện nay nếu như chúng ta không cho phép họ thử nghiệm những sản phẩm mới, dịch vụ mới chưa được quy định trong pháp luật. Cần thiết có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để họ có quyền thử nghiệm mô hình cung ứng dịch vụ mới, những sản phẩm tài chính mới, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn. Mới đây, chúng ta mới có 1 nghị định cho phép một số dịch vụ mới, nhưng chúng ta vẫn chậm chân so với một số nước trong khu vực ASEAN.

IFC Việt Nam khi hình thành sẽ là trung tâm “sinh sau, đẻ muộn” trong khu vực và thế giới. Theo ông, đâu là mô hình lý tưởng để IFC của Việt Nam tăng sức hút, nâng khả năng cạnh tranh?
- Không có một bản sao nào của Singapore hay Dubai dành cho Việt Nam. Điều Việt Nam cần là một mô hình riêng, được thiết kế dựa trên thực tiễn nội tại, phù hợp với thế mạnh hiện có. Việt Nam cần xây dựng một IFC có bản sắc, dựa trên những lợi thế sẵn có.
Chúng ta phải xác định mục đích xây dựng IFC là để phục vụ kinh tế Việt Nam. Vì vậy, phải dựa trên nền kinh tế của Việt Nam, cách thức vận hành, thực hiện cũng phải xây dựng làm sao phục vụ nền kinh tế Việt Nam, phục vụ DN, dự án đầu tư tại Việt Nam… Chúng ta phải tận dụng được những xu thế mới hiện nay, đặc biệt là xu thế về sản phẩm mới, dịch vụ mới như tín dụng xanh, tài chính xanh…, sử dụng những tài chính số, ngân hàng số, dịch vụ số, đổi mới sáng tạo… để đưa ra những sản phẩm mới đối với thị trường Việt Nam. Những xu thế tài chính mới nếu vận dụng được mới tạo ra được sự khác biệt đối với những nền kinh tế khác.

Đặc biệt, chúng ta phải tạo ra sự khác biệt về các quy định pháp luật, lợi thế cạnh tranh về mặt con người và một số thị trường lớn của Việt Nam. Trong đó, một số yếu tố then chốt cần chú trọng đó là khả năng luân chuyển vốn linh hoạt, tiếp cận ngoại tệ không bị hạn chế, một hệ thống pháp lý minh bạch.
Hạ tầng tài chính cũng là yếu tố không thể thiếu - từ sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ đến các tổ chức tín dụng và hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech). Đặc biệt, trung tâm đó phải cung cấp môi trường sống chất lượng cao để thu hút và giữ chân các chuyên gia quốc tế. Mỗi mô hình phản ánh bối cảnh trong nước riêng biệt. Các quốc gia thành công không phải vì sao chép lẫn nhau mà họ xây dựng được mô hình phù hợp với nhu cầu riêng.
Xin cảm ơn ông!
