Từ 1/7/2025, đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm được hưởng lương hưu
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quyền lợi thụ hưởng cho người tham gia. Đó là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. Đồng thời, đáp ứng điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, năm 2025, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Về mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện hưởng lương hưu, đối với lao động nữ bằng 45% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; đối với lao động nam bằng 45% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Sau đó, lao động nữ và lao động nam cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội. Đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 được điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng, bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.
Trao đổi về quy định mới đóng bảo hiểm xã hội 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH Trần Hải Nam cho biết, quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là để tạo điều kiện cho những người tham gia muộn hoặc quá trình đóng ngắn, không liên tục được hưởng lương hưu, thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tất nhiên, là những người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm sẽ có mức lương hưu thấp nhưng hàng tháng được một khoản tiền ổn định và bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.
“Quy định đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu chỉ hướng tới người không có khả năng, điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội. Những ai có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội thì phải tích lũy để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%; tương ứng với lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm, lao động nam là 35 năm” - ông Trần Hải Nam nhấn mạnh.

Người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn vẫn được hưởng lương hưu
Kinhtedothi – Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 điều chỉnh giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu và bảo hiểm y tế khi về già.

Người nghỉ hưu trước năm 1995 được ngân sách Nhà nước chi trả lương hưu
Kinhtedothi – Hàng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội để trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995.

Mức lương hưu từ 1/7/2025 khi đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm
Kinhtedothi – 7 đối tượng đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trước ngày 1/7/2025 mà có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.