Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Trung Quốc - EU: Kỳ vọng đối thoại, chuẩn bị chiến lược

Kinhtedothi - Những lo ngại mới về một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nổi lên trong những tháng gần đây. Các động thái của EU nhằm chống lại các khoản trợ cấp của Trung Quốc “làm méo mó thị trường” đã khiến Bắc Kinh nhiều lần cam kết đáp trả.

Khả năng lịch sử lặp lại?

Một cuộc điều tra quy mô lớn về trợ cấp trong ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc sẽ kết thúc vào đầu tháng 6, dự kiến sẽ dẫn đến kết luận áp thuế đối với xe điện nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất. Cuộc điều tra đã gây chấn động ở Bắc Kinh.

Vào tháng 1, Trung Quốc đã nhanh chóng công bố một cuộc điều tra riêng về hành vi bán phá giá rượu mạnh của châu Âu trên thị trường nước này. Pháp là nhà tài trợ chính cho cuộc điều tra xe điện của Ủy ban châu Âu, đổi lại, Bắc Kinh cũng “úp mở” về việc xem xét kỹ lưỡng sản phẩm rượu cognac của Pháp.

Những diễn biến này gợi nhớ lại thời điểm tháng 6/2013, các chủ vườn nho ở Pháp nổi giận sau khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với rượu vang châu Âu. Ủy ban châu Âu đã tăng thuế đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc trước đó không lâu, lập luận rằng mức giá quá thấp của các sản phẩm này ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp quang điện đang phát triển của lục địa này.

Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra vào tháng 1 về cáo buộc bán phá giá rượu từ Pháp, nhà tài trợ chính cho cuộc điều tra xe điện của Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters

Các quan chức Đức lúc đó thông báo rằng ngành công nghiệp ô tô của nước này - vốn hưởng lợi nhuận khổng lồ từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc - cũng có khả năng bị đáp trả thương mại.

Thời điểm đó, dưới áp lực từ Berlin và Bắc Kinh, Pháp đã giảm bớt sự ủng hộ đối với quan điểm của Ủy ban châu Âu, dẫn đến tranh chấp chấm dứt.
Mùa Xuân năm sau, Trung Quốc lặng lẽ giải quyết vấn đề rượu vang, với việc các nhà sản xuất rượu vang Pháp đồng ý đào tạo các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc để đổi lấy việc giảm thuế.

Các tít báo vào thời điểm đó đều xôn xao khả năng một cuộc chiến thương mại. Và giờ, 11 năm trôi qua nhanh chóng, các quan chức châu Âu đang trải qua cảm giác “déjà vu”.

Bài học từ Mỹ

Trên khắp phương Tây, khi căng thẳng thương mại với Trung Quốc xuất hiện, các nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích đang cố gắng giải mã các kịch bản mà Bắc Kinh có thể sử dụng để đáp trả những đòn thuế quan.

Các chuyên gia đang nghiên cứu các bản đồ bầu cử, cố gắng xác định các bang xung đột có khả năng bị ảnh hưởng đợt áp thuế mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với hàng loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tuần trước.

Simon Evenett, giáo sư kinh tế tại Đại học St Gallen ở Thụy Sĩ, suy đoán rằng “Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách nhắm mục tiêu vào hàng xuất khẩu từ 7 bang chiến trường trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới”.
Sau khi so sánh sự phụ thuộc tương đối của các bang này vào xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Evenett nhận định, Georgia - nơi ông Biden đã giành chiến thắng với tỷ số sít sao vào năm 2020, có thể gặp rủi ro cao nhất trước sự đáp trả của Trung Quốc.

Có rất nhiều tiền lệ về chính sách thương mại của Mỹ để nghiên cứu. Với tư cách là phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, chuyên gia Clete Willems đã giúp xây dựng cách tiếp cận cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc. “Tôi không nghĩ đáp trả là một biện pháp ngăn chặn lớn, nhưng chúng tôi đã thảo luận vấn đề này trước khi áp dụng mức thuế 301 ban đầu và có lo ngại về những gì Trung Quốc sẽ làm”, chuyên gia này cho biết, đồng thời nhận định, Bắc Kinh đã để mắt tới một số sản phẩm nhạy cảm ở Mỹ như nông sản.

Từ kinh nghiệm của Mỹ, phía bên kia Đại Tây Dương, châu Âu cũng đang để mắt tới những lỗ hổng có thể bị Bắc Kinh nhắm tới. Hồi tháng 1, Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra về cáo buộc bán phá giá rượu mạnh từ Pháp, nhà tài trợ chính cho cuộc điều tra xe điện của Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi hoàn toàn không ngạc nhiên,” một quan chức nói thẳng thừng, so sánh những diễn biến này với “cuộc chiến” rượu vang và năng lượng mặt trời hơn một thập kỷ trước đó.

Cảnh giác với việc lịch sử lặp lại, Ủy ban châu Âu đã giữ bí mật thông tin chi tiết về cuộc điều tra xe điện lần này. Các nguồn tin cho biết những người tham gia cuộc điều tra bị cấm thảo luận chi tiết, ngoài một nhóm nhỏ các quan chức hàng đầu.

EU lo ngại rằng khi có thêm thông tin chi tiết, Bắc Kinh sẽ bắt đầu chọn lọc các quốc gia thành viên được cho là có những điểm yếu để lên kế hoạch đáp trả.

Cuối tuần trước, Bắc Kinh đã mở một cuộc điều tra khác, lần này là về chất đồng trùng hợp polyoxymethylene - một loại hóa chất thường được sử dụng trong kỹ thuật ô tô – thường nhập từ Mỹ, EU và Nhật Bản.
Hôm 21/5, một nhóm DN Trung Quốc tại Brussels đã đưa ra tuyên bố rằng chính phủ đang lên kế hoạch tăng thuế đối với “ô tô được trang bị động cơ phân khối lớn”. Đối với châu Âu, động thái như vậy sẽ ảnh hưởng sâu sắc nhất đến Đức và Slovakia.

Vẫn còn kỳ vọng đối thoại

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước, Janusz Wojciechowski, ủy viên nông nghiệp của khối, khẳng định với Financial Times rằng ông đã vận động hành lang để kiềm chế khả năng đáp trả thương mại đối với hàng nông sản, một lĩnh vực nổi tiếng là nhạy cảm trên khắp châu Âu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công khai đặt vấn đề về cuộc điều tra xe điện của EU. Và khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Pháp trong tháng này, Tổng thống Emmanuel Macron, đã nói rõ về kỳ vọng muốn tránh thuế đối với rượu mạnh.

Nếu Trung Quốc tiếp diễn hành động trả đũa liên quan tới rượu cognac, Brussels sẽ sẵn sàng đưa ra thách thức tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - một thông tin mà nước này đã chuyển tới các nhà ngoại giao Trung Quốc.

EU đã viện tới các công cụ thương mại và chiến lược cạnh tranh phù hợp với các quy định của WTO. Các quan chức nhận thấy mối tương quan giữa nguy cơ bị trả đũa từ Trung Quốc và việc tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc - chẳng hạn như 100% đối với hàng nhập khẩu xe điện - thì mức thuế của EU sẽ được điều chỉnh cẩn thận và sẽ không xa bước đi của Washington.

Trước nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận chip tiên tiến của Trung Quốc, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát việc xuất khẩu các khoáng sản quan trọng bao gồm gali và germani. Mặt khác, có ý kiến cho rằng châu Âu và Trung quốc vẫn đang tìm cách đối thoại để đi đến kịch bản dung hòa cho cả hai, trong đó chuyến thăm châu Âu gần đây của ông Tập Cận Bình là một nỗ lực rõ ràng.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thuế quan của Mỹ tác động thế nào đến kinh tế thế giới?

Thuế quan của Mỹ tác động thế nào đến kinh tế thế giới?

15 Feb, 05:12 AM

 Kinhtedothi - Các chuyên gia cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng thuế quan như một "vũ khí" để đạt được nhượng bộ về mọi thứ, từ thương mại đến nhập cư và buôn bán ma túy, có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại của Washington.

Hai tuần “đại náo” Washington của tỷ phú Elon Musk

Hai tuần “đại náo” Washington của tỷ phú Elon Musk

08 Feb, 05:56 AM

Kinhtedothi - Điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ, tỷ phú Elon Musk đã được trao quyền lực đặc biệt để cải tổ bộ máy Chính phủ liên bang. Động thái này tạo ra những làn sóng tranh cãi và lo ngại sâu sắc về ranh giới giữa quyền lực tư nhân và công quyền.

Bài toán mới hóc búa của chính quyền Trump 2.0

Bài toán mới hóc búa của chính quyền Trump 2.0

04 Jan, 05:12 AM

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ông Donald Trump chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ hai, cuộc tranh luận sôi nổi về chính sách thị thực H-1B đặt ra thách thức mới đối với tổng thống đắc cử Mỹ trong việc cân bằng lợi ích giữa các nhóm cử tri ủng hộ mình.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ