Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chứng khoán dịp nghỉ lễ 2/9

Loạt doanh nghiệp bị nhắc nhở, kỳ vọng sự trở lại của nhóm ngành chủ lực

Kinhtedothi - Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết gồm: FLC Stone, Đức Long Gia Lai, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình... bị HOSE nhắc nhở vì chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022.

Bị "điểm danh" vì chậm nộp báo cáo tài chính

Nhìn chung thị trường trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay không diễn ra sự điều chỉnh nào đáng kể. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 31/8, VN-Index tăng 1,12 điểm (0,09%) lên 1.280,51 điểm, HNX-Index giảm 1,93 điểm (0,66%) về 291,92 điểm, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (0,06%) đạt 92,44 điểm.

Thị trường chứng khoán kết thúc ngày giao dịch cuối cùng trước nghỉ lễ Quốc khánh tương đối êm đềm.

Quan sát phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ có thể thấy tâm lý của nhà đầu tư đã ổn định hơn. Thời gian qua cơ quan chức năng đã “mạnh tay” trong việc quản lý thị trường, tránh rủi ro cho nhà đầu tư. Ngay trong ngày 31/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã có công văn nhắc nhở 12 doanh nghiệp niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022.

Các doanh nghiệp bị HOSE "gọi tên" gồm: CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã AMD), CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG), CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC), CTCP Nông dược H.A.I (mã HAI), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA), CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã LGL), CTCP Long Hậu (mã LHG), CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP), CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS) và CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (mã SJF).

Theo quy định tại điểm 2 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng, phải công bố báo cáo tài chính bán niên đã soát xét trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán báo cáo soát xét nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu tài chính”.

Do đó, HOSE đã nhắc nhở và đề nghị 12 công ty trong danh sách trên khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.

Cùng với đó, mới đây HOSE cũng thông báo bổ sung 7 cổ phiếu vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), gồm: ASP của Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP), BCE của Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE), LEC của Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC), MHC của MHC (MH), SBV của Siam Brothers Việt Nam (SBV), VDS của Chứng khoán Rồng Việt (VDS) và VIP của Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP).

Các cổ phiếu nêu trên bị cắt margin với cùng nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022 âm. Như vậy, tính đến 30/8, danh sách chứng khoán bị cắt margin của HOSE tăng lên thành 66 mã.

Chờ thị trường khởi sắc sau nghỉ lễ

Thị trường chứng khoán kết thúc ngày giao dịch cuối cùng trước lễ Quốc khánh tương đối êm đềm, với thanh khoản thấp là đặc trưng của giới giao dịch Việt Nam trước các kỳ nghỉ.

Thanh khoản xuống thấp do tâm lý trước kỳ nghỉ lễ, điều này hoàn toàn phù hợp và dễ hiểu. Nhìn chung thị trường trước nghỉ lễ không diễn ra sự điều chỉnh nào quá đáng kể, mà chỉ là sự ''lình xình'' trong giao dịch và sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Cổ phiếu trụ vẫn đóng vai trò lớn trong việc kéo chỉ số, đặc biệt đóng cửa trên ngưỡng 1.280 là khá tích cực cho thị trường để kỳ vọng mở cửa sau lễ sáng sủa hơn. Nhóm ngành tiêu biểu là xây dựng, năng lượng điện nước, thủy sản...

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, qua 4 ngày nghỉ lễ và bước sang tháng mới, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trở lại. Sau lễ sẽ thấy sự trở lại của nhóm ngành chủ lực như chứng khoán, bất động sản, thép... để đồng thuận đưa thị trường vượt tiếp mốc 1.290 tiến tới 1.300 điểm.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động

Các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động

26 Feb, 11:40 AM

Kinhtedothi - Sau chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN, hàng loạt ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động. NHNN cho biết, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc công bố lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

Nỗ lực giữ ổn định lãi suất

Nỗ lực giữ ổn định lãi suất

26 Feb, 11:39 AM

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nợ xấu tăng, đồng USD vẫn giữ giá cao trên thị trường, bài toán đặt ra là các ngân hàng giảm lãi suất gắn với việc giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, chia sẻ lợi nhuận.

Lãi suất cho vay mua nhà giảm, người dân vẫn e dè

Lãi suất cho vay mua nhà giảm, người dân vẫn e dè

25 Feb, 02:18 PM

Kinhtedothi- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống.

Tin tức kinh tế 21/2: giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

Tin tức kinh tế 21/2: giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

21 Feb, 07:44 PM

Kinhtedothi – Giá vàng quay đầu giảm, nhẫn tròn trơn đắt hơn vàng miếng; giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%; Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên lãi tiền gửi tiết kiệm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/2.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ