Kỳ tích trong lòng núi: đào thông hầm dài nhất tuyến Bắc - Nam
Kinhtedothi - Đúng 22 giờ đêm 1/7, một tiếng nổ vang lên xé toạc lòng núi Trường Sơn; luồng sáng từ cửa hầm phía Gia Lai lóe lên, phá tan bóng tối kéo dài hơn 3.200m - báo hiệu ống hầm trái thuộc hầm số 3, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, chính thức được đào thông.

Một đoạn đường hầm thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sau hơn 600 ngày đêm bền bỉ, gần 1.200 kỹ sư, công nhân và kỹ thuật viên của Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn tất công đoạn xuyên thủng toàn bộ hệ thống hầm - gồm hai ống song song - dưới địa hình địa chất phức tạp bậc nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam. Đây là hầm đường bộ dài nhất toàn tuyến trong giai đoạn này, đánh dấu một kỳ tích thi công hạ tầng giao thông Việt Nam.
“Vua đào hầm” và chiến dịch 600 ngày đêm
Hầm số 3 thuộc gói thầu XL-2, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dài 88km, vốn đầu tư khoảng 20.400 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư). Công trình này không chỉ là điểm nghẽn kỹ thuật lớn nhất tuyến, mà còn là biểu tượng của nỗ lực vượt khó.
Ống hầm phải (hướng Bắc - Nam) đã được đào thông vào đầu tháng 5/2025, vượt tiến độ 6 tháng so với hợp đồng. Riêng ống hầm trái - gặp địa chất đặc biệt yếu với nhiều đoạn đá cấp IV vỡ vụn, độ ổn định thấp - chỉ đạt tiến độ đào trung bình 1-3m/ngày. Có thời điểm, toàn bộ thi công phải dừng lại để xử lý sụt trượt và gia cố nền móng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ.
Trước thách thức đó, nhà thầu Đèo Cả triển khai loạt giải pháp kỹ thuật đặc biệt như áp dụng phương pháp đào NATM, chia nhỏ mặt cắt thi công, nổ mìn theo tiết diện hẹp nhằm giảm rung chấn; phun bê tông gia cố ngay sau đào; sử dụng hệ thống quan trắc tự động, theo dõi chuyển vị, biến dạng liên tục 24/7 trong lòng hầm. Đặc biệt, nhà thầu còn tổ chức tuần hoàn nước thi công, tái sử dụng đến 95% lượng nước - vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.

Ống hầm trái hầm số 3 đã được đào thông.
Ngay sau khi đào thông, công trình bước vào giai đoạn nước rút, bao gồm: đào mở rộng, hạ nền, đổ bê tông vỏ hầm toàn tuyến; thi công hệ thống cơ điện, chiếu sáng, ITS, thông gió, phòng cháy chữa cháy; gia cố cửa hầm, chống sạt lở và thực hiện trồng hoa, tạo cảnh quan xanh ngay từ công trường.
Theo kế hoạch, toàn bộ hai ống hầm sẽ hoàn thiện kết cấu vào tháng 10/2025, lắp đặt thiết bị và vận hành thử nghiệm trong tháng 11-12/2025, hoàn thành đồng bộ cùng toàn tuyến vào cuối năm.
Một công trường của ý chí và kỳ vọng
Hầm số 3 là điểm nghẽn kỹ thuật lớn nhất toàn tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự án này có tổng chiều dài 88km, nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, được xem là mắt xích quan trọng giúp kết nối trung tâm vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Với tiến độ hiện tại, tổng khối lượng toàn tuyến đã đạt 62-68%. Nhà thầu đã huy động 50/50 mũi thi công, hơn 3.500 nhân sự và 1.300-1.400 thiết bị cơ giới.
Tuy vậy, vẫn còn hai điểm vướng mặt bằng tại huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), cùng với thiếu hụt nguồn đá thi công, buộc nhà thầu phải nhập vật liệu từ mỏ thương mại. Ban Quản lý Dự án và chính quyền địa phương cam kết giải phóng toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2025, đảm bảo không ảnh hưởng mục tiêu về đích cuối năm.
Với kỳ tích đào thông hai ống hầm chỉ trong hơn 600 ngày giữa lòng núi hiểm trở, hầm số 3 đã trở thành biểu tượng cho ý chí “dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm” của ngành giao thông cũng như tinh thần vượt khó của hàng nghìn con người nơi công trường.
Tiếng nổ xuyên núi đêm 1/7 không chỉ là sự kiện kỹ thuật - mà còn là tín hiệu khởi đầu cho một chặng đường mới, khi tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn tiến gần hơn đến đích hẹn với đất nước.

Lập quy hoạch tu bổ, bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn
Kinhtedothi - Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy các giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Sông Hàn chưa bao giờ ngừng chảy – Đà Nẵng không ngừng vươn xa
Kinhtedothi - Tựa như một người con trở về giữa lúc giao mùa, Đà Nẵng thành phố của sông Hàn và gió biển - đang chuẩn bị bước sang một chương mới. Từ 0 giờ ngày 1/7/2025, địa giới hành chính sẽ được hợp nhất với tỉnh Quảng Nam. Khép lại 28 năm kiêu hãnh vươn mình từ ngày tách tỉnh 1997, Đà Nẵng hôm nay không chỉ là một địa danh, mà là biểu tượng sống động của tinh thần đổi mới, bản lĩnh hội nhập và khát vọng vươn xa của người Việt.

Hàn Quốc thắp sáng bầu trời Đà Nẵng bằng màn pháo hoa huyền ảo
Kinhtedothi - Tại Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng tối 28/6, đội Hàn Quốc đã mang đến cho khán giả một đêm rực rỡ cảm xúc với màn trình diễn mãn nhãn, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc sôi động và kỹ thuật pháo hoa đỉnh cao. Từng chùm sáng bung nở trên nền trời sông Hàn như kể lại câu chuyện tình yêu và khát vọng, khiến hàng vạn người theo dõi vỡ òa trong xúc động và thán phục.