Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong:
Hà Nội hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện
Chiều 9/9, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với Sở LĐTB&XH Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021, và các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội trên địa bàn Hà Nội.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, số người tham gia BHXH tăng đều hằng năm, từ gần 1,434 triệu người vào năm 2016 tăng lên hơn 1,926 triệu người vào cuối năm 2021. Chính sách BHYT mở rộng diện bao phủ đến hơn 91% dân số…
Từ năm 2016-2021, Hà Nội chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 3.255.324 lượt người hưởng với tổng số tiền 10.459 tỷ đồng; chi lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho hơn 9,96 triệu lượt người hưởng với số tiền 226.694 tỷ đồng, trung bình mỗi năm là gần 45.339 tỷ đồng.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng thiếu BHXH cho người lao động với hơn 3.600 cuộc/năm. Từ năm 2016-2021, BHXH TP, Sở LĐTB&XH và UBND các quận, huyện, thị xã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 143 đơn vị, số tiền xử phạt là 14,3 tỷ đồng. Kết quả khắc phục nợ đóng sau thanh tra, kiểm tra tăng dần, từ 44,4% số đơn vị, doanh nghiệp khắc phục vào năm 2016, tăng lên 74,9% vào năm 2021.

Trước tình trạng nợ đóng BHXH còn cao, số người rút BHXH một lần chưa giảm, Sở LĐTB&XH Hà Nội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển, người dân, người lao động ổn định đời sống. Thực hiện cơ chế đặc thù đối với BHXH TP Hà Nội về cơ chế tiền lương, tiêu chuẩn trang bị máy móc, thiết bị văn phòng tương ứng với quy mô thu, chi BHXH, BHYT, BHTN...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong ghi nhận kết quả đạt được của Sở LĐTB&XH Hà Nội trong việc triển khai chính sách BHXH nói riêng, bảo đảm an sinh cho người dân nói chung. Về phát triển BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị Hà Nội tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để phát triển BHXH, BHYT; qua đó giảm số nhận BHXH một lần, gia tăng số tham gia BHYT hộ gia đình.
“Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp liên ngành để xác định rõ nguồn dữ liệu, dư địa phát triển người tham gia BHXH tại các doanh nghiệp. Về xử lý trốn đóng, nợ đọng BHXH, cần nêu cao vai trò của cơ quan công an để tăng hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, Hà Nội có chính sách hỗ trợ đóng thêm BHXH tự nguyện, tạo thuận lợi lớn cho người dân trên địa bàn, đây là điểm rất đáng ghi nhận và cần tiếp tục phát huy” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhận xét.

Giám sát tại BHXH TP: Khắc phục ngay tồn tại trong thực hiện quy định luật
Kinhtedothi-"Còn một số tồn tại, vướng mắc về thực hiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách, nên BHXH TP cần khẩn trương chỉ đạo trong hệ thống khắc phục, nhất là số nợ đọng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, xử lý vi phạm..."- Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình nêu rõ.

Hà Nội: Hỗ trợ 30% mức đóng BHXH tự nguyện cho người thuộc hộ nghèo
Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP Hà Nội quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Nhân rộng mô hình hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người nghèo
Kinhtedothi – Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, mô hình chính quyền hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện cho người lao động là thành viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại quận Long Biên là điểm sáng, mô hình điểm, có thể nhân rộng.