Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bảo vệ, tránh để mai một, thất lạc di sản văn hóa

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về kiểm kê di sản văn hóa, công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa và việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích; phân loại di vật, cổ vật; kho bảo quản di sản tư liệu; di sản văn hóa hạn chế sử dụng, khai thác và hướng dẫn việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

Theo đó, việc quy định cụ thể về thủ tục hành chính kiểm kê di sản văn hóa, công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa sẽ góp phần nhận diện, phân loại và đánh giá giá trị của di sản, làm cơ sở để xây dựng các biện pháp bảo vệ, tránh mai một, thất lạc hoặc hủy hoại do môi trường.

Hội diều Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngoài ra, việc lập danh mục di sản tạo cơ sở pháp lý để bố trí ngân sách bảo vệ, tu bổ, phục hồi di sản, phân cấp quản lý Nhà nước về di sản văn hóa. Mặt khác, kiểm kê lập danh mục di sản còn giúp cho việc lập hồ sơ xếp hạng hoặc đưa vào danh mục Quốc gia, đề nghị ghi danh vào các danh sách của UNESCO, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa tại địa phương.

Theo Bộ VHTT&DL, hoạt động kiểm kê di sản văn hóa đã được các tỉnh, TP triển khai trong nhiều năm qua. Tính đến nay, trên cả nước, UBND các tỉnh, TP đã xếp hạng trên 11.000 di tích cấp tỉnh, TP; Bộ VHTT&DL đã xếp hạng 3.653 di tích quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 143 di tích Quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. 620 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê.

Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu. Việt Nam tham gia chương trình này từ năm 2006, gần 20 năm là quốc gia thành viên tham gia chương trình nhưng di sản tư liệu mới bắt đầu khởi động hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.

Ngày 23/11/2024, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa, trong đó có di sản tư liệu. Đây là một loại hình di sản mới đối với nước ta, từ các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình ghi danh cho đến các biện pháp tiếp nhận quản lý... đòi hỏi cần bổ sung thêm các quy định để bảo đảm sự thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật. Qua đó góp phần hoàn thiện pháp luật về di sản để Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống.

Việc phân loại di vật, cổ vật không chỉ giúp xác định giá trị của di vật, mà còn hỗ trợ công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo việc gìn giữ kho tàng văn hóa của dân tộc một cách có hệ thống, khoa học và hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích thực tiễn thời gian qua đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Với số lượng trên 40.000 di tích đã được kiểm kê, xếp hạng ở các cấp độ, quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các tổ chức, người được giao quản lý, sử dụng di tích mong muốn đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng. Vì vậy, việc quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích trong thông tư là cần thiết.

Với hơn 4 triệu hiện vật, 327 bảo vật quốc gia rất đa dạng, đang được lưu trữ tại các bảo tàng, di tích trên cả nước, để hạn chế nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khi sử dụng, khai thác vì mục đích kinh doanh, cần phải có những quy định cụ thể. “Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Thông tư phân loại di vật, cổ vật; kho bảo quản di sản tư liệu; di sản văn hóa hạn chế sử dụng, khai thác và hướng dẫn việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu Quốc gia về di sản văn hóa là cần thiết” – Bộ VHTT&DL nhấn mạnh.

Thời gian lấy ý kiến Dự thảo từ nay đến hết ngày 7/6/2025.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản các di tích thờ Linh Lang Đại Vương

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản các di tích thờ Linh Lang Đại Vương

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đưa văn học Việt Nam hội nhập toàn cầu

Đưa văn học Việt Nam hội nhập toàn cầu

03 Jul, 09:02 AM

Kinhtedothi – Trong dự thảo Đề án quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa thế giới, với lĩnh vực văn học, Bộ VHTT&DL nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy văn học như một công cụ để giáo dục, quảng bá văn hóa và lịch sử Việt Nam, giúp độc giả quốc tế hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ